Bước đi đầu tiên khi mở quán cafe, trà sữa

Bài viết này sẽ trả lời cho những câu hỏi:


– Tôi nên bắt đầu mở quán cafe, trà sữa… như thế nào?


– Tôi phải đánh giá tiềm năng của thị trường đồ uống như thế nào?


Bắt đầu mở quán là bước đi đầu tiên trên hành trình kinh doanh của bạn, vì vậy hãy lưu ý đến nó thật cẩn thận. Đối tượng khách hàng mà bạn hướng đến sẽ là thứ quyết định tới tất cả các bước sau này: lựa chọn địa điểm quán, quyết định lên menu đồ uống hay tuyển dụng nhân viên. Cùng bắt đầu với việc Đánh giá tiềm năng thị trường nhé:


1. Bắt đầu mở quán: đối tượng khách hàng là ai?

Bạn cần có một đối tượng chính để cửa hàng của mình hướng đến. Đó cũng sẽ là đối tượng mục tiêu của việc lên menu đồ uống, học pha chế, các kế hoạch marketing cũng như tuyển dụng nhân sự của quán sau này.


Hãy đặt ra những câu hỏi nhiều nhất có thể : Khách hàng bạn muốn hướng đến là ai? Nhu cầu của họ như thế nào? Họ cần gì và muốn gì ở một cửa hàng đồ uống?


 

Cà phê Tùng ở Đà Lạt

Cách đặt câu hỏi


Những câu hỏi càng cụ thể và chi tiết bao nhiêu thì định hướng của bạn càng tốt cho sau này bấy nhiêu. Ví dụ:


KH của bạn chủ yếu là nhân viên văn phòng. Họ muốn một nơi để bàn chuyện kinh doanh, ký kết hợp đồng vào buổi sáng. Họ muốn thư giãn vào buổi trưa và tiếp tục làm việc vào buổi chiều.

> Họ cần một nơi thoáng mát, yên tĩnh, có chỗ để xe, gần các tòa nhà văn phòng và nhất định phải có các món ăn trưa…


KH của bạn là những người trung tuổi. 

> Họ cần một quán cà phê nho nhỏ gần khu dân cư, có một mái hiên mát mẻ và nhìn ra phố xá để thư giãn, hàn huyên với bạn bè. Đồ uống chỉ cần các món truyền thống.


KH của bạn là học sinh, sinh viên 

> Họ thích những không gian rộng mở, những trào lưu của giới trẻ. Họ cần một nơi gần trường học, tiện xe buýt, có không gian mới mẻ để check in, giới thiệu với bạn bè trên mạng…


KH của bạn là những người có sở thích đặc biệt. Ví dụ như họ mê rock, mê nhạc Trịnh, thích chụp ảnh hay yêu động vật.

> Họ cần một nơi có không gian đúng với gu họ thích, thường chơi những bản nhạc họ hay nghe. Đó là nơi để họ gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng sở thích với họ. 


Khách hàng của bạn thích đọc sách, thích yên tĩnh… hay thích những nơi sôi động?

Gợi ý to!

Nếu bạn có một sở thích đặc biệt gì đó, hẳn việc bạn mở một quán cà phê theo sở thích đó là một ý tưởng tuyệt vời. Hơn nữa, bạn lại tạo được một thương hiệu và sự khác biệt riêng cho cửa hàng của mình. Khi đó, việc cạnh tranh của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


2. Bắt đầu mở quán: đánh giá thị trường

Bây giờ bạn đã mường tượng ra được lượng khách hàng tiềm năng của mình rồi, hãy bắt tay tiếp vào việc tìm hiểu tiềm năng thị trường. Một ý tưởng rất hay, nhưng thị trường không muốn đón nhận, hoặc bước ra thị trường quá sớm hay quá muộn đều có thể làm cho nó bị thui chột mãi mãi.


Tiếp tục đặt câu hỏi


Cũng vẫn là những câu hỏi, chúng ta đánh giá tiềm năng thị trường gồm những phần như sau:


Số lượng các quán cafe, trà sữa trên địa điểm bạn dự định mở quán

Chất lượng phục vụ của các quán đó như thế nào, số lượng khách ra sao?

Điểm khác biệt (điểm nhấn) của mỗi quán đó là gì?

Còn điểm nào mình có thể khai thác để giúp quán của mình nổi bật so với các cửa hàng cạnh tranh?

Nếu không tìm được đối thủ nào: tìm hiểu lý do tại sao ở đây không phát triển dịch vụ này. Có thể do thị trường chưa được khai thác, nhưng cũng có thể do thị hiếu không hợp để kinh doanh (bạn muốn mở quán trà sữa nhưng dân cư chỉ thích uống cà phê truyền thống chẳng hạn).

Thị hiếu khách hàng tiềm năng của bạn có phù hợp với ý tưởng của bạn không?

Nếu bạn đã xác định được hướng đi rõ ràng và đối tượng khách hàng của mình rồi, hãy cùng đi tới bước tiếp theo, đó là chọn địa điểm mở quán cafe (trà sữa)

2017-06-29