Có nên hợp tác mở quán cùng bạn bè, người thân?
Bạn muốn mở một quán trà sữa với bạn bè, người thân? Hoặc chưa chính thức bắt tay nhưng cũng đang ấp ủ ý định này? Trên thực tế, đây là việc không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, bên cạnh những lợi nhuận to đùng, vẫn có những vấn đề… to đùng hơn của việc hợp tác kinh doanh cần bạn giải quyết.
Vì thế, chúng tôi xin gửi tới bạn một số lời khuyên sau để giúp việc kinh doanh thuận lợi nhất!
Lưu ý: Trong bài viết giả định rằng bạn tên là Messi.
1. Phân chia trách nhiệm rõ ràng
Trong công việc, đừng nên cố gắng chia đều trách nhiệm chỉ vì bạn cảm thấy đó là “công bằng”. “Công bằng” nên dùng để chỉ việc bạn làm tốt những công việc phù hợp, chứ không phải làm những việc bằng nhau hay giống nhau.
Bạn là một người pha chế rất giỏi, anh bạn Cristiano của bạn lại rất có đầu óc về tài chính và marketing. Bạn thử nghĩ xem, nếu bạn làm pha chế một nửa thời gian, Cristiano làm nửa còn lại, tương tự cho việc marketing, 2 người “giống nhau”, như vậy có hợp lý không?
Mỗi người có một điểm mạnh riêng!
Tuy nhiên, chịu trách nhiệm cho những công việc khác nhau không có nghĩa là không gắn kết tầm nhìn. Bạn vẫn cần góp ý và theo dõi phần việc của người còn lại, và việc kinh doanh vẫn phải có sự rạch ròi về lương bổng và chi phí. Phần này phụ thuộc vào thỏa thuận, và nên được làm rõ ngay từ đầu.
Ví dụ:
“-Này Cristiano!
– Tao đây!
– Bây giờ tao phụ trách phần việc pha chế và nguyên liệu. Mày phụ trách kế toán và quảng cáo cho cửa hàng. Lương trách nhiệm chúng ta chia theo tỷ lệ 50:50.
– Không được. Việc pha chế của mày quan trọng hơn việc của tao. Mày 55, tao 45 nhé.
– Được rồi. Đồng ý.”
Đã có rất nhiều trường hợp bạn bè, người thân không nhìn mặt nhau, chỉ vì không rõ ràng trong phần lương và vốn góp, dẫn tới chia lợi nhuận không đều, hoặc thua lỗ không ai chịu.
Ngay cả tôi, trước kia cũng đã phải chịu điều đó (!!)
2. Luôn đồng tâm hiệp lực
Bất đồng là không thể tránh khỏi – đặc biệt khi ai cũng tin tưởng vào ý kiến của mình. Ai cũng có cái tôi to đùng, khó đúng không?
Nhưng trước mặt nhân viên, phải thể hiện sự thống nhất trong quan điểm. Bất đồng với nhau khi có mặt nhân viên sẽ mang lại cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Hậu quả là, một trong hai người có thể cảm thấy tự ti, và nhân viên sẽ mất niềm tin vào chiến lược kinh doanh.
Bạn và anh bạn Cristiano có thể có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng việc Messi chỉ trích hay cãi nhau giữa cửa hàng với Cristiano không bao giờ là ý hay.
Hãy nhớ, các cuộc họp riêng mới là nơi phù hợp để giải quyết mâu thuẫn.
Luôn cần sự đồng tâm hiệp lực
3. Bày tỏ sự ghi nhận
Dù là sáng tạo ra công thức đồ uống mới hay tổ chức một chương trình khuyến mãi thành công, hãy luôn ghi nhận đóng góp của đối tác. Hãy để họ biết rằng bạn không xem nhẹ nỗ lực và cống hiến của họ cho việc kinh doanh. Bạn có thể khen ngợi họ trước mặt các nhân viên. Sự khích lệ này sẽ tốt cho cả mối quan hệ cá nhân lẫn quan hệ trong kinh doanh của các bạn.
“- Này Messi!
– Sao thế?
– Hôm nay cốc trà sữa Matcha và trà sữa cốt dừa của cậu pha được khách bàn số 3 khen lắm đấy!
– Cảm ơn nhé!”
Tuy nhiên, cũng cần có giới hạn cho sự khen ngợi. Các bạn có thể thể hiện sự thân mật trong đời sống cá nhân, còn trong công việc hãy luôn tôn trọng nhau.
Hãy khen ngợi và vỗ tay khi cần thiết
4. Tách biệt công việc với đời tư
Làm thế nào để không nhầm lẫn công việc với đời sống cá nhân? Bạn hẳn sẽ thấy điều này không hề dễ dàng chút nào.
Khi quá nhiệt tình với công việc, quả thật rất khó để gạt bỏ nó hoàn toàn trong cuộc sống. Nhưng sẽ có những lúc bạn thực sự phải tạm ngừng nói về công việc.
Cuộc sống và công việc?
Công việc, công việc, việc, việc, việc… 24/7. Chủ đề này có thể dễ khiến bạn bị áp lực và stress. Nó sẽ làm cho bạn đánh mất sự tập trung cho những người khác trong cuộc sống. Nó có thể giết chết sự lãng mạn và khiến cuộc sống gia đình bớt vui vẻ. Vậy hãy cố gắng giảm thiểu các cuộc nói chuyện liên quan tới công việc, thay vào đó bằng những hoạt động giúp gia đình gắn bó hơn.
Đó là đời tư của bạn. Còn với đời tư của đối tác thì sao?
“Đối tác trong kinh doanh, bạn bè ngoài đời thực”, liệu có gặp nhiều rắc rối?
Hợp tác kinh doanh đi từ quan hệ cá nhân có thể có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng có nhiều thách thức. Bạn có nền tảng về niềm tin với nhau, có cùng mục tiêu và hiểu về tính cách của đối phương. Và nhất là bạn có một đối tác để cùng chia sẻ công việc thay vì tự mình làm mọi thứ.
Trong quá trình làm việc, những suy nghĩ ảnh hưởng qua lại giữa công việc và đời tư giữa các bạn sẽ rất dễ nảy sinh. Nhưng hãy khéo léo cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, để tận dụng tốt những lợi thế mà bạn có. Tách bạch giữa 2 khía cạnh càng tốt, cuộc sống của các bạn sẽ càng thuận lợi.
Cảm ơn Messi đã đọc. Hãy like và share nếu thấy bài viết hữu ích cho mình và bạn bè nhé!