Thủ tục đăng ký kinh doanh & mở quán cafe, trà sữa
Việc đăng ký kinh doanh quán là rất cần thiết mỗi khi chúng ta muốn mở quán cafe hay quán trà sữa. Điều này giúp ta có thể hoạt động hợp pháp và hạn chế những rủi ro liên quan đến pháp lý. Sau đây AUTOSHOP xin tổng hợp lại những thủ tục cần thiết khi bạn muốn mở quán cafe, trà sữa:
Bạn có cần đăng ký kinh doanh khi mở quán cafe không?
1. Hình thức kinh doanh của quán cafe, trà sữa
Hoạt động kinh doanh của bạn chỉ được tiến hành khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đối với cửa hàng, dịch vụ ăn uống, việc bạn cần nắm rõ đó là mô hình kinh doanh của mình thuộc loại hình nào.
Các loại hình kinh doanh có thể chia làm 3 nhóm:
Doanh nghiệp: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh lớn hoặc trung bình.
Hộ kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ.
Cá nhân kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh rất nhỏ.
Đối chiếu theo khoản 1, điều 66, nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về Hộ kinh doanh cá thể:
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
thì mô hình các quán cafe, trà sữa là hình thức Hộ kinh doanh, vì vậy chúng ta cần làm thủ tục ĐKKD cho Hộ kinh doanh.
2. Thủ tục đăng ký kinh doanh
GCN đăng ký kinh doanhTheo điều 71 – Nghị định 78/2015/NĐ-CP, trình tự thủ tục ĐKKD như sau:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
Tóm tắt là như thế này:
B1: Gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đặt địa điểm với các thông tin cơ bản của mình & nộp lệ phí đăng ký.
B2: Chờ đợi cơ quan đăng ký xét duyệt .
B3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung các thông tin cần thiết nếu được yêu cầu trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp.
Với mô hình dịch vụ ăn uống, cần có thêm một thủ tục bắt buộc nữa đó là xin Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Hồ sơ xin giấy phép ATVSTP
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (theo mẫu);
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y công chứng);
Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất đủ điều kiện ATVSTP (bản vẽ sơ đồ mặt bằng sản xuất kinh doanh; mô tả quy trình chế biến thực phẩm);
Bản cam kết đảm bảo ATVSTP đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh;
Chứng nhận sức khoẻ của người trực tiếp sản xuất kinh doanh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
Chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn về ATVSTP cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Trình tự thực hiện
Tổ chức, công dân đến lấy mẫu hồ sơ;
Tổ chức, công dân nộp hồ sơ tại Chi cục ATVSTP hoặc cục ATVSTP;
Khi hồ sơ đã hợp lệ, Chi cục hoặc Cục ATVSTP tổ chức đoàn thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định cơ sở. Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ và Biên bản cho Chi cục Trưởng hoặc Cục trưởng cấp Giấy chứng nhận ATVSTP;
Chi cục hoặc Cục ATVSTP trả Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP cho Tổ chức;
Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Rút gọn:
B1: Đến lấy mẫu hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về VSATTP, điền đầy đủ thông tin và nộp lại cho cơ quan.
B2: Cơ quan thẩm định cơ sở. Nếu đạt yêu cầu thì cơ sở sẽ nhận được Giấy chứng nhận ATVSTP.
B3: Nếu cơ sở chưa đạt, sẽ được thẩm định lại trong vòng 3 tháng. Khi đó đoàn thẩm định có quyền đề xuất đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh.
3. Các loại thuế phải nộp
Nộp thuế là việc nên làm!
Theo Điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC, các loại thuế mà cơ sở kinh doanh phải nộp bao gồm:
Thuế môn bài theo năm: dựa trên thu nhập một tháng. Mức thuế này thấp nhất là 50.000Đ.
Thuế Giá trị gia tăng (GTGT): bằng Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): bằng Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN
Nếu quán của bạn có doanh thu dưới 100 triệu/năm, bạn chỉ phải nộp thuế môn bài theo từng năm. Còn với doanh thu trên 100 triệu, bạn cần phải nộp đầy đủ cả 3 loại thuế trên. Mức tỷ lệ thuế cụ thể bạn có thể tham khảo tại cơ quan có thẩm quyền khi ĐKKD.
Các tài liệu tham khảo:
Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.